Những hiện tượng sân khấu khơi gợi cảm hứng
VHO - Có lẽ bi kịch lớn nhất giữa sân khấu và người xem là sự “đồng sàng dị mộng”, khi rạp hát, nhà hát rơi vào tình thế, theo dân gian Việt là “vắng như Chùa bà Đanh”.
Vở Chèo “Mưa đỏ” của Đoàn Chèo Hải Phòng
Sau đại dịch Covid-19, khán giả có trở lại xem sân khấu?
Dịch Covid-19 trên toàn cầu đã đóng cửa toàn hệ thống sân khấu biểu diễn của các nhà hát, rạp hát. Không ai trình diễn, cũng không ai đi xem, chỉ có thể xem trình diễn trên màn hình điện thoại hoặc ti vi... Dịch bệnh không chừa một ai, nên chẳng ai còn lòng dạ nào mà thưởng thức nghệ thuật.
Nhưng chính vì thế, khi đại dịch đã ngớt, nghệ thuật đã quay trở lại thì nhân loại cũng tìm được cách tự cứu mình, với tinh thần khỏe mạnh: Cái Đẹp luôn cứu rỗi thế giới. Khán giả Việt hiện đại, do đó, cũng đã tìm về một nghệ thuật mà họ đã từng nương tựa, từ lịch sử phát triển ngàn năm, từ sân khấu truyền thống đến sân khấu hiện đại, để được giải thoát, giải trí. Và hiện hữu ngay nhu cầu trở lại xem - nghe - nghĩ về sân khấu Việt hôm nay, với bản chất đặc hiệu, là tính đối thoại của nghệ thuật sân khấu, dù đối thoại theo cách ước lệ - bằng hát, múa của sân khấu truyền thống Chèo, Tuồng… hay đối thoại theo hình thái tả thực của sân khấu Tây - đã thành thể loại Kịch Việt Nam, sau 100 năm “Việt hóa”, đã biết kể chuyện kịch theo cách Việt, cho khán giả Việt thưởng thức.
Bởi tự thân sân khấu đã vốn là nghệ thuật trình diễn kịch nghệ, và khán giả là người xem trực tiếp tại khán phòng. Thiếu vắng người xem thì đương nhiên, bất thành sân khấu. Câu hỏi đặt ra là sân khấu Việt sau thảm kịch Covid-19 sẽ gượng dậy bằng cách nào và người xem Việt trở lại với sân khấu ra sao?
Hải Phòng là một trong các câu trả lời.
Suốt mấy năm dịch giã, Hải Phòng bỗng đột ngột vươn lên, là thành phố duy nhất tổ chức được chương trình sân khấu truyền hình như một món sân khấu “đồ hộp” duy nhất, thay thế cho sân khấu tươi sống, vốn phải diễn cho khán giả đến tận rạp, xem tận mắt hằng đêm, trước khi xảy ra đại dịch. Quả thật, đó là món “đồ hộp sân khấu” rất thích hợp trong mưa gió dịch Covid-19, khi các nhà hát, rạp hát phải đóng cửa. Suốt mấy mùa dịch, Thành ủy Hải Phòng đã quyết định cấp kinh phí thích đáng cho Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, dàn dựng mỗi tháng một chương trình sân khấu Kịch, hoặc Chèo, Cải lương, Múa rối… cho Đài TH Hải Phòng phát sóng. Sau năm thứ nhất, đã tăng lên hai chương trình và Đài TH Hải Phòng kéo dài việc phát sóng này cho đến hiện tại, tức là đã là năm thứ tư của chương trình này. Kết quả thật hữu hiệu. Công chúng, không chỉ của Đài TH Hải Phòng, đã được mãn nhãn thưởng thức món “đồ hộp sân khấu”, khá ngon lành, để “ăn đỡ khi đói lòng”, vì không thể ra khỏi nhà để thưởng ngoạn “sân khấu tươi sống” hằng đêm ở các nhà hát và rạp hát, như những ngày chưa dịch bệnh!
Bỗng chốc, kịch trường truyền hình Hải Phòng trở nên nhộn nhịp và sôi động. Nhiều kịch bản tiếng tăm của kịch tác gia trong và ngoài nước được dựng và diễn trên sóng của Đài TH Hải Phòng. Chỉ tính riêng năm 2022, ba vở diễn của sân khấu Hải Phòng đã từ sóng truyền hình mà ra, tìm được chiến thắng trong các cuộc liên hoan sân khấu quốc gia và quốc tế. Vở chèo Vang bóng một thời của Đoàn Chèo
Hải Phòng đoạt HCV Liên hoan Sân khấu Chèo toàn quốc 2022. Vở Cải lương Đất liền và Biển cả của Đoàn Cải lương Hải Phòng đoạt giải Xuất sắc Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc 2022. Vở kịch Đến bờ bên kia của Đoàn kịch Hải Phòng đoạt HCV Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần 5, năm 2022, tổ chức tại Hà Nội.
Giữa năm 2023, sau thành công từ năm 2022 của vở Chèo Vang bóng một thời, chuyển thể từ tác phẩm cùn tên của nhà văn Nguyễn Tuân, đạo diễn NSND Trịnh Thúy Mùi đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng mời dựng tiếp vở Chèo Mưa đỏ, kịch bản của nhà văn quân đội Chu Lai, được chuyển thể sang kịch bản Chèo. Với mục đích đưa vở Chèo này vào chương trình sân khấu truyền hình Hải Phòng, nhưng sau đó được đạo diễn Thúy Mùi mang lên Nhà hát Lớn Hà Nội, biểu diễn “tươi sống” trong ba đêm. Vở Chèo Mưa đỏ của Đoàn Chèo Hải Phòng đã bất ngờ khi chinh phục được khán giả Thủ đô. Khán giả ngồi kín khán phòng im phắc theo dõi diễn biến vở Chèo về sự giành giật sống chết giữa ta và địch, giữa những người lính sinh viên từ các trường đại học miền Bắc, không tiếc máu xương tuổi trẻ, đã hy sinh, cắm cho được lá cờ đỏ sao vàng trên nóc Thành cổ Quảng Trị.
Thế mới biết, khán giả là đích đến của nghệ thuật biểu diễn sân khấu, nhất là khán giả trẻ. Tôi bỗng thấy biết ơn nghệ sĩ biểu diễn, khi nhớ lại giọt nước mắt lăn trên má của vị nữ khán giả trung niên ngồi ngay cạnh tôi, rưng rưng trước cảnh hai bà mẹ sinh ra hai người con của hai chiến tuyến, đều hy sinh, đều chết trẻ, trong cùng một đoạn diễn “địch - ta”, đều muốn cắm cờ trên đỉnh Thành cổ Quảng Trị. Và cả những sinh viên trẻ, ngồi xem, cũng rưng rưng đồng cảm và thấu hiểu những nỗi niềm của lòng người mẹ có con trai hy sinh trong thời chiến. Đó là thứ tình cảm đẹp nhất từ phía người xem, nhất là người xem trẻ, đối với vở Chèo mang nhiều hơi thở hiện đại về diễn Chèo, âm nhạc Chèo, cảnh trí và đặc biệt, về xử lý tổng thể độc đáo của đạo diễn sáng giá nhất ngành Chèo hiện nay: NSND Thúy Mùi, là đạo diễn thế hệ kế tục xứng đáng sau sự ra đi của NSND Tào Mạt và NSND Trần Bảng…
Khán giả trở lại…
Bước ra từ giải Vàng của Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần 5 tại Thủ đô Hà Nội, vở Cải lương về nhân vật lịch sử Lý Chiêu Hoàng Độc thoại đêm (tác giả Lê Duy Hạnh) của nhóm nghệ sĩ thuộc Hội Sân khấu TP.HCM, đứng đầu là nghệ sĩ Tú Quyên, đã gây ấn tượng mạnh với khán giả TP.HCM, đặc biệt là khán giả trẻ. Sân khấu vở diễn này rất nhỏ hẹp, trên lầu cao của một tòa nhà cũ, đường lên cầu thang tối và quanh co. Xử lý không gian sân khấu hẹp, nhưng được nới rộng nhờ cách ca và diễn “lạ hóa” của Tú Quyên, ca Cải lương suốt chiều dài vở diễn chừng 70 phút. Không phải là một giọng ca lanh lảnh chuông vàng, nhưng Tú Quyên đã ca phối hợp rất chắc với diễn, cuốn người xem theo những ghềnh thác nội tâm đầy day dứt của tâm trạng nhân vật Lý Chiêu Hoàng, khi buộc phải chứng kiến sự suy tàn của nhà Lý, phải lên ngôi nữ hoàng cuối cùng và phải nhường ngôi cho chính người chồng của mình là Trần Cảnh, để khởi nghiệp nhà Trần.
Khán phòng chỉ chứa được khoảng vài chục người xem. Tôi đến sát giờ diễn, ngồi bệt, xếp bằng tròn, mới bình an xem được đến cuối chầu hát, đã được ngắm nhìn khán giả xem chăm chú và vỗ tay nhiệt liệt khi vở diễn kết thúc. Thật dễ chịu khi xem vở Cải lương “ngon lành” đến thế, khi cả dàn nhạc công đều tham gia vào vai diễn, vai Trần Cảnh, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Công chúa Thuận Thiên… bằng mặt nạ và tiếng đàn, không hát, không di chuyển khỏi vị trí dàn nhạc, nhằm tập trung tất cả cho Độc thoại đêm của Lý Chiêu Hoàng - Tú Quyên hoàn toàn chiếm lĩnh sân khấu, một mình độc thoại bằng ca và diễn cải lương. Năm 2023, dưới bảng hiệu Gánh Cải lương Thiên Lý, gánh này đã diễn liên tiếp nhiều đêm tại số 4 Nguyễn Siêu, Q1, TP.HCM, và với sự lạ biệt của vai diễn Tú Quyên, đêm nào cũng đông chật mấy chục người xem. Tiền vé thì “tuỳ hỉ”, ai muốn đưa bao nhiêu cũng được. Hoan hỉ, sung sướng và an yên mà diễn mà thưởng thức. Và phải kể đến những nỗ lực lấy khán giả của sân khấu tư nhân, như sân khấu của NSND Lệ Ngọc, vừa thắng lớn về khán giả trong nước - đêm diễn nào cũng đông chật người xem, vừa thắng lớn trước khán giả Trung Quốc, một khi tính toán chính xác, khi đem 2 vở Lôi Vũ và Lá thư thứ 72 sang dự Liên hoan Sân khấu quốc tế, tháng 12.2023, tại Nam Ninh, Trung Quốc.
Và tại TP.HCM, những vở kịch về đề tài hôn nhân và gia đình của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, nhất là vở Tình yêu ngoài hôn nhân đã kéo khán giả đến xem chật khán phòng. Rồi Lia chia lại về, kịch của Sân khấu Hoàng Thái Thanh, lấy gốc văn chương từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư, với lối dựng và diễn chân thật, theo rất sát đời sống Nam Bộ, cũng đã thu hút khán giả. Phải lấy làm mừng về sự xuất hiện mới mẻ của vở Cải lương Đợi Kiều của sân khấu học đường, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, do TS Đào Lê Na đã sáng kiến tổ chức biểu diễn, viết kịch bản và đạo diễn. Vở này đã diễn nhiều đêm ở Nhà văn hóa sinh viên, tuy hơi xa trung tâm, nhưng đã quyến rũ nhiều khán giả trẻ mộ điệu Cải lương, là sinh viên đại học của TP.HCM.
Tôi - người yêu mến cả sân khấu lẫn khán giả, nên rất hy vọng, những tín hiệu như trên sẽ thành một dòng chảy khán giả sân khấu trong năm mới Giáp Thìn 2024, không chỉ các điểm sáng ở Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác nữa.
Rất kỳ vọng và tin tưởng, tại sa không?
PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI